Tôi bật khóc sau khi đọc bức di thư mẹ để lại cho mình.
Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở ngôi làng miền núi nhỏ. Trước khi tốt nghiệp cấp 2, do gia cảnh nghèo khó nên tôi phải bỏ học, bắt đầu đi làm cùng hàng xóm.
Ở thành phố, tôi gặp người chồng sau này của mình, một người đàn ông chu đáo và có trách nhiệm. Tìm hiểu nhau được một thời gian thì tôi chính thức gặp gia đình anh, trong đó có mẹ anh.
Lần đầu tiên gặp mẹ chồng, tôi đã cảm thấy rất lo lắng. Tôi nghĩ rằng suy cho cùng thì tôi chỉ là một cô gái quê mùa, còn gia đình chồng là người thành phố nên bất giác nảy sinh tâm lý tự ti. Tuy nhiên, mọi mặc cảm của tôi đã biến mất sau khi được gặp mẹ chồng, vì bà chào đón tôi rất nồng nhiệt.
Tôi và chồng lấy nhau đã 20 năm, có một cậu con trai vẫn đang học đại học. Điều bất hạnh lớn nhất trong cuộc sống hôn nhân của chúng tôi có lẽ là vì mẹ chồng bị đột quỵ cách đây vài năm. Rất may là bà đã được điều trị kịp thời, sức khoẻ không quá nghiêm trọng nhưng từ nay, mẹ sẽ phải sống trên xe lăn.
Đến năm 2015, bố chồng tôi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày. Lúc này, mẹ chồng tôi rất đau buồn. Bà tâm sự rằng bà không biết phải làm gì với quãng đời còn lại khi người thân đã ra đi vĩnh viễn.
Sau khi bố chồng ra đi, mẹ dường như không thể chịu nổi cú sốc này nên bệnh tình trở nên nghiêm trọng. Tôi bàn với chồng rằng nên đưa mẹ vào viện dưỡng lão hay đón bà về nhà mình chăm sóc. Cuối cùng, vợ chồng tôi chọn vế sau.
Tôi là một đứa trẻ ở vùng nông thôn, đã từng chứng kiến qua nhiều cảnh đời khốn khổ. Tôi hiểu được nỗi đau của người già ở tuổi sớm chiều khi một mình phải ở nhà, không có con cái hay bạn bè kề bên bầu bạn. Trường hợp của mẹ chồng tôi càng đặc biệt hơn, vì bà phải di chuyển bằng xe lăn nên gặp khó khăn trong đi lại, nên càng hiếm có người bầu bạn ở thành phố.
Vì lý do này, tôi chọn nghỉ việc và ở nhà chăm sóc mẹ chồng. Chồng tôi hàng tháng kiếm được không ít tiền, trong khi mẹ chồng còn có lương hưu nên cuộc sống của gia đình tôi khá suôn sẻ.
Trước khi tôi bắt đầu chăm sóc mẹ chồng, bà ấy đã nói với tôi: “Con gái, con không cần hy sinh sự nghiệp để ở nhà chăm sóc mẹ nhiều như vậy đâu. Dù mẹ chỉ có thể sử dụng xe lăn nhưng mẹ vẫn có thể cử động tay. Con không cần thiết phải ở bên cạnh mẹ mỗi ngày”.
Tôi rất cảm động khi nghe điều này. Người ta thường nói mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu là rào cản của cuộc sống hôn nhân. Nhưng từ khi bước chân về nhà này, mẹ chồng đối xử với tôi rất tốt, chứ đừng nói gì đến chuyện hai mẹ con cãi vã.
Những ngày sau đó, khi tôi đang nấu ăn, mẹ sẽ ở bên cạnh phụ tôi nhặt rau. Khi tôi đi mua sắm, tôi sẽ đẩy mẹ đi ra ngoài dạo phố cùng tôi. Đôi khi tôi kể cho mẹ chồng nghe những câu chuyện về miền núi nhỏ nơi tôi từng sinh sống, còn mẹ thì chia sẻ lại những câu chuyện thời trẻ của mẹ.
Có một lần mẹ chồng ốm phải nhập viện, nhiều ngày liền bà nằm trên giường bệnh nhưng không ăn được. Ngày đêm tôi ở bên cạnh dỗ dành bà, còn nói: “Khi mẹ ốm, cơ thể cần dinh dưỡng. Nếu mẹ không ăn thì làm sao sức khỏe tốt lên được? Mẹ xem, mẹ muốn ăn uống gì, cơ thể thấy như thế nào thì nói với con. Mẹ đừng ngại phiền phức. Chỉ khi sức khoẻ của mẹ tốt hơn thì bọn con mới yên lòng”.
Trong thời gian mẹ ở bệnh viện, tôi cùng bà nói chuyện, chạy mua đồ vặt cho mẹ, động viên mẹ nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ. Mẹ chồng tôi rất cảm động. Sau khi khỏi bệnh và xuất viện, bà nói với tôi: “Con ơi, con thật tuyệt vời. Có được một người con dâu như con là phúc của gia đình mình”.
Dẫu chúng tôi có chăm sóc mẹ chu đáo thì sau nhiều năm, sức khỏe của bà vẫn ngày một yếu đi. Tôi và chồng đều biết rằng mẹ sẽ không còn sống được bao lâu nữa.
Nhiều năm sau, mẹ chồng không thể chịu nổi sự hành hạ của bệnh tật nên bà đã ra đi thanh thản. Tôi cảm thấy như mình đã mất đi trụ cột của cuộc đời. Dù khi còn sống, mẹ không thể giúp đỡ hai vợ chồng tôi nhưng tôi vẫn luôn yêu quý bà.
Cũng vì tình cảm kính trọng dành cho mẹ chồng nên sau khi bà ra đi, chứng kiến di chúc của mẹ không có tên mình thì tôi cũng không oán hận. Tôi hiểu rằng, mẹ vốn không có nhiều tiền tích luỹ, nên số tài sản nhỏ này sẽ chia cho các con ruột cũng là điều dễ hiểu. Từ đáy lòng mình tôi vẫn tin rằng, mẹ không phải là người muốn tôi chịu thiệt thòi.
Sau này, khi đang sắp xếp đồ đạc trong nhà, tôi bất ngờ khi tìm thấy một bức di thư của mẹ gửi cho mình. Nội dung như sau: “Con dâu, mẹ thấy mình thật may mắn khi có con là một thành viên của gia đình. Con chưa bao giờ đánh mất bình tĩnh với mẹ, càng không để mẹ ở một mình.
Mẹ thực sự hạnh phúc và hài lòng với những năm tháng cuối đời khi sống cùng vợ chồng con. Mẹ cảm động vì dù nhiều khi nhà ta còn khó khăn, hai con cũng không bỏ rơi mẹ. Từ lâu mẹ đã xem con như con gái ruột. Khi mẹ rời đi, con phải chăm sóc bản thân thật tốt nhé”.
Thông qua di chúc, tôi biết được mẹ đã tặng cho riêng mình cuốn sổ tiết kiệm trị giá 100.000 tệ (345 triệu) và chiếc vòng tay bằng ngọc bích. Mẹ nói rằng sở dĩ tên tôi không có trong di chúc, vì mẹ lo những người con ruột biết con dâu nhận được khoản thừa kế lớn sẽ tìm đến gây phiền phức cho tôi. Đọc xong di thư của mẹ, tôi bật khóc và không biết phải nói gì để diễn tả cảm xúc của mình.
Chồng nói với tôi rằng cuốn sổ tiết kiệm và chiếc vòng là thứ mà tôi xứng đáng nhận được. “Em đã hy sinh rất nhiều cho gia đình này, và mọi người đều thấy điều đó!”, chồng an ủi. Tôi hiểu rằng, dù tuổi thơ của tôi có khó khăn đến đâu nhưng cuộc đời đã trả cho tôi một người bạn đời và mẹ chồng hoàn hảo. Trên đời này, nếu bạn sống tử tế thì nhất định sẽ được báo đáp, không chỉ bằng vật chất mà còn là tình yêu thương.
Theo Nguyệt
Nguồn cafef.vn