spot_img

Nhức nhối lừa đảo công nghệ cao

Nhật Bản là một trong những nước có nền kỹ thuật tin học phát triển vào bậc nhất thế giới. Song, mặt trái của nó – là những vụ tấn công và lừa đảo qua mạng, đang gây những thiệt hại ghê gớm không chỉ cho người dân, doanh nghiệp mà cho cả các cơ quan công quyền nước này.

Những thiệt hại này không phải chỉ tính bằng số tiền bị mất mà còn bằng những tổn thương tâm lý, sang chấn tinh thần mà các nạn nhân phải gánh chịu. Nhà chức trách nước này đang và đang đẩy mạnh nhiều biện pháp đấu tranh với vấn nạn gây nhức nhối cho toàn xã hội này, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả.

Mới 8h30, chưa đến giờ làm việc, mà một người đàn ông khoảng 45 tuổi với nét mặt ngơ ngác, buồn rầu xen lẫn bất an, sợ hãi đã có mặt ở Đồn cảnh sát khu vực Hatagaya thuộc quận Shibuya của Tokyo, để trình báo về việc mình bị lừa qua mạng một khoản tiền lớn, tương đương khoảng 1,8 tỷ đồng.

“Khi đọc giới thiệu về dự án đầu tư giới thiệu về dự án đầu tư, tôi thấy rất hấp dẫn. Chỉ với 1,5 triệu yên, sau 3 tháng có thể thu lời gấp đôi. Rồi sau đó, tôi lại nhận được thông báo qua mạng là đã bắt đầu có lãi, nếu muốn lãi cao hơn nữa thì đầu tư thêm. Thế là tôi góp tiếp, đến nay đã là hơn 11 triệu Yên. Nhưng 3 tháng trôi qua mà tiền chẳng thấy đâu, còn người môi giới trên mạng thì bặt vô âm tín. Tôi thật là nhẹ dạ” – người đàn ông nói.

Nhức nhối lừa đảo công nghệ cao- Ảnh 1.

Tuyên truyền chống lừa đảo còn được đưa vào các trường học (Ảnh: Hokkaido Shinbun)

Người đàn ông này chỉ là một trong số hàng chục ngàn nạn nhân bị lừa đảo qua mạng mỗi năm tại Nhật Bản. Theo thống kê của Cơ quan cảnh sát Nhật Bản, chỉ riêng trong quý 1 năm nay, tại nước này đã xảy ra 2.508 vụ lừa đảo qua mạng được báo cáo với con số thiệt hại lên tới hơn 33,4 tỷ yên (tương đương 5.678 tỷ đồng). Điều đáng nói trong số các nạn nhân, không chỉ có người cao tuổi, mà còn có nhiều người trẻ tuổi, có hiểu biết về rõ ràng về tin học, nhưng vẫn bị lừa, thậm chí còn bị lừa với số tiền rất lớn. Đặc biệt, có nhiều người không chịu nổi chấn thương tâm lý đã phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát

Bọn tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn rất tinh vi, nhưng đôi khi cũng có những “chiêu thức” tưởng chừng rất ngô nghê nhưng lại vô cùng hiệu quả. Ví dụ như tự nhận mình là kỹ sư của một công ty tin học, nhắn tin đến một địa chỉ IP nào đó và báo rằng máy tính đó đã bị xâm nhập, rồi đề nghị chuyển một khoản tiền rất đúng với mức giá thị trường, chỉ khoảng từ 1~2 triệu Đồng, vậy mà rất nhiều người bị trúng bẫy. Đặc biệt, bọn chúng thường hay đóng giả nhân viên công quyền để đe dọa và ép buộc các nạn nhân chuyển tiền.

Ông Saito Hideaki – Chuyên gia tâm lý học tội phạm, phân tích: “Khi con người mất bình tĩnh, mất kiềm chế, rất dễ bị thao túng tâm lý. Đây là điểm mà tội phạm lừa đảo tận dụng triệt để. Bọn chúng thường đánh vào một số điểm yếu của các nạn nhân như: lòng tham vốn có của con người, tâm lý yếm thế trước nhân viên công quyền, sự thiếu hiểu biết về pháp luật và kỹ thuật tin học, tình cảm gia đình… Đây là điểm mà tất cả mọi người cần nhận thức rõ và ghi nhớ”.

Hiện nay, Cơ quan cảnh sát Nhật Bản đang phối hợp với chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp và cơ quan hữu quan, tiến hành hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm đấu tranh với với vấn nạn gây nhức nhối cho toàn xã hội này, nhưng mới chỉ đạt được những kết quả ban đầu.

Theo báo cáo vừa được công bố của Cơ quan cảnh sát Nhật Bản, trong năm 2023, đã phá được 7.212 vụ án, bắt giữ và xử lý 2.455 tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Bên cạnh đó là những biện pháp mềm dẻo mang tính giáo dục như: quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng với những khẩu hiệu phòng chống lừa đảo qua mạng, tuyên truyền giúp người dân nâng cao cảnh giác, yêu cầu các ngân hàng phải can thiệp trực tiếp và báo cảnh sát khi phát hiện dấu hiệu khách hàng bị lừa đảo, ví dụ như rút hoặc chuyển một số tiền lớn trong một lần, gửi cùng một số tiền đến nhiều tài khoản khác nhau…

Sỹ quan Kondo Akari – Trưởng phòng cảnh sát phòng chống lừa đảo công nghệ cao cho rằng: “Mọi người cần đề phòng với tất cả các tin nhắn hoặc các cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền. Trên thực tế, hầu như tất cả những yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân đề là lừa đảo. Thêm nữa, việc người yêu cầu chuyển tiền thay đổi số tài khoản nhận tiền cũng là một dấu hiệu của lừa đảo”.

Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng nghiêm trọng với số vụ cùng số nạn nhân và số tiền thiệt hại vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Bởi, tội phạm vẫn có kẽ hở để trốn tránh “lưới trời” khi xác suất bị phát hiện, theo thống kê của lực lượng cảnh sát chuyên ngành, mới chỉ dừng ở mức 54,9%. Nhà chức trách Nhật Bản cũng phải thừa nhận là đến nay vẫn chưa có biện pháp nào thực sự bền vững và hiệu quả.

Theo đó, người dân Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục sống phấp phỏng trong sự cảnh giác cao độ, ngay cả với những người chưa hề gặp mặt, và thầm mong những ngày bình yên sẽ dần quay trở lại.

Theo PV

Nguồn cafef.vn

Bài liên quan

- Advertisement -spot_img

Tin mới nhất