Red flag trong mối quan hệ với tiền bạc, không ai khác, chính là Carrie.
30 tuổi, không còn đủ ngây thơ để mơ mộng mấy chuyện yêu đương lãng mạn, cũng chẳng đủ sức lực để đau khổ mong ngóng sự trở về của bất kỳ ai, thứ duy nhất đọng lại trong tôi vào lần thứ 3 xem Sex And The City chỉ là những quan điểm ngớ ngẩn, vô lý đến kinh hoàng trong tư duy về tiền bạc của nhân vật tôi từng thích nhất – Carrie.
1 – “Shopping is my cardio”
“Red flag” của Carrie trong mối quan hệ với tiền bạc đã xuất hiện ngay từ season 1 – phân cảnh cô lượn lờ trong cửa hàng Dolce & Gabbana, chọn 1 đôi giày cao gót và mang tới quầy thu ngân cùng chiếc thẻ tín dụng đã quẹt hết hết hạn mức; hay pha chốt đơn đôi giày trị giá 40.000 USD để giải tỏa cảm giác bực dọc hậu trong mối quan hệ với anh bồ Aiden.
Trong tập phim “Ring A Ding Ding” của season 1, vì đã chi 40.000 USD để mua 1 đôi giày, mà Carrie đã không có tiền để đặt cọc căn hộ yêu thích. Nhưng thay vì mang đôi giày đi bán, cô lại tìm đến tình cũ – Mr.Big, để vay tiền và nhận lại một lời từ chối bẽ bàng ê mặt.
Nhận thức được hành động của mình là ngớ ngẩn, Carrie tìm đến 3 cô bạn thân còn lại, tưởng là để tâm sự cho đỡ nhục, nhưng không! Carrie làm mình làm mẩy, giãy lên như đỉa phải vôi, và tệ nhất là bắt Charlotte bán chiếc nhẫn đính hôn mà chồng cũ tặng để có tiền cho mình vay! Yêu cầu vô lý đến vậy mà cuối cùng Charlotte cũng đồng ý làm theo.
Tôi nhận ra Carrie chính là một cây “red-flag” di động trong cả chuyện tình yêu lẫn tình bạn. Không hiểu bằng cách nào mà tôi có thể không để ý tới phân cảnh Carrie xin tiền Mr.Big, ép Charlotte bán nhẫn lấy tiền trong 2 lần xem trước đây…
2- Nhích được vài cm trong sự nghiệp đã chi tiền thuê trợ lý
Vẫn là ở season 1, khi nhận được lời mời cộng tác với Tạp chí Vogue, một trong những việc đầu tiên mà Carrie làm chính là đi tìm trợ lý.
Nhân vật Jennifer Hudson là người được Carrie chọn làm người đồng hành cho quá trình thăng tiến trong sự nghiệp của mình. Nhưng tất cả những gì cô trợ lý này làm chỉ là check mail, nghe Carrie lải nhải than thở chuyện tình yêu và đưa ra lời khuyên. Ngoài ra, chẳng còn gì nữa!
Tôi thấy chuyện này thật hoang đường. Một người đã quẹt sạch hạn mức thẻ tín dụng, phải “ép” bạn thân bán nhẫn đính hôn cho mình vay tiền, lại không ngại chi tiền để thuê 1 cô trợ lý gần như không giúp ích được gì cho công cuộc kiếm tiền?
3 – Hỏi người tặng quà mình “bạn có thể trả lại món quà này và đưa cho tôi tiền mặt không”
Đây chính là phân cảnh đã giết chết sự yêu thích lẫn đồng cảm mà tôi dành cho nhân vật Carrie.
Trong season 2, Susan Sharon đã tặng cho Carrie một chiếc khăn len cashmere. Nhưng thay vì cảm ơn Susan, phản ứng đầu tiên của Carrie lại là một yêu cầu không tưởng: Trả lại chiếc khăn và đưa cho cô số tiền được hoàn trả, vì… cô đang thực sự cần tiền.
Nghĩ đi, ở ngoài đời, một người có lòng tự trọng liệu có hành xử như vậy với người đang có ý muốn tặng quà cho mình không cơ chứ?!
Tôi xem “Sex And The City” lần đầu tiên vào năm 20 tuổi. Ở độ tuổi còn chưa trải sự đời ấy, thứ duy nhất đọng lại trong tôi chỉ là bùng binh tình ái lúc thăng lúc trầm, những cũng không ít pha lê thê lướt thướt của 4 cô bạn thân.
7 năm sau đó – khi đã vắt trên vai vài mối tình thất bại, tôi bắt đầu thấy hình ảnh của chính mình phảng phất ở cả 4 nhân vật chính: Một phần cởi mở, không ngán bất cứ ai giống “try-girl” Samantha; một phần mắc kẹt trong mê hồn trận chấp niệm dành cho tình cũ – hệt như Carrie; một phần ngây ngô mơ mộng không khác gì cái cách Charlotte hình dung về người chồng lý tưởng; và một phần bất lực giằng xé như Miranda khi đặt tình yêu – sự nghiệp lên bàn cân.
Lần thứ 2 xem lại bộ phim kinh điển này, tôi không thể nhớ nổi mình đã phải cảm thán bao nhiêu lần, vì quá đồng cảm với diễn biến tâm lý nhân vật trong bùng binh tình ái của chính họ.
Và điều đáng tiếc nhất chính là tôi đã xem bộ phim này lần thứ 3, để rồi nhận ra nhân vật mình thích nhất, đồng cảm nhất cuối cùng lại là một cô ả không có chút tự trọng trong chuyện tiền bạc.
Theo Ngọc Linh
Nguồn cafef.vn